EU áp giá carbon đối với hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường
26/02/2024 - 05:23 PM - 48 lượt xem
 

Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp giá carbon đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước khác vào thị trường này, mức giá cao hay thấp sẽ dựa trên tính toán lượng khí carbon phát thải ra nhiều hay ít để sản xuất mặt hàng đó.

Trước mắt, quy định này sẽ được áp dụng với các mặt hàng có lượng phát thải carbon cao, mà EU xếp vào 6 nhóm sản phẩm là xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. Riêng 6 nhóm hàng này chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Như vậy là bất cứ nước nào xuất khẩu những mặt hàng thuộc danh sách này sẽ chịu tác động từ cơ chế điều chỉnh carbon của EU. Quy định mới này sẽ bắt đầu được thực hiện thí điểm từ ngày 1/10 tới.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (tên gọi tắt tiếng Anh là CBAM) sẽ áp giá carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Việc áp giá carbon là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và đã được các nước thành viên của Liên minh nhất trí thực hiện từ tháng 12 năm ngoái. Ông Pascal Canfin - Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu: "Đây là một thỏa thuận lịch sử. Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này trong ít nhất hai thập kỷ qua. Và giờ đây chúng tôi đã thành công. Liên minh châu Âu là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới áp giá carbon đối với hàng hóa nhập khẩu".
Thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi xanh

Với cơ chế CBAM, về phía EU, bên cạnh vấn đề giảm phát thải, bảo vệ môi trường thì lý lẽ được đưa ra còn là bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp của EU. Còn về phía các nước đang phát triển, công bằng trong lĩnh vực môi trường, khí hậu thường được nhìn rộng hơn, thậm chí còn được đề cập với khái niệm công lý khí hậu. Nó liên quan đến việc xác định và chia sẻ trách nhiệm giữa các nước phát triển và đang phát triển trước tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu từ Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất năm 1992 đã đề ra nguyên tắc "những trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt", trong đó đặt ra những yêu cầu riêng về trách nhiệm của các nước phát triển. Tuy nhiên, trách nhiệm chung cũng là cam kết đã được chính các nước đang phát triển nhất trí nhằm ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, ngăn chặn trái đất nóng lên.

Trong nỗ lực chung đó, Việt Nam đã tích cực triển khai các biện pháp và kế hoạch để biến cam kết thành hành động, trong đó có việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh. Đây được coi là xu hướng tất yếu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết, đồng thời đáp ứng các quy định quốc tế mới về giảm phát thải như cơ chế CBAM của EU.

Sự ra đời của cơ chế áp giá carbon của EU cho thấy hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế sẽ ngày càng gắn chặt hơn với các tiêu chí về bảo vệ môi trường và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, với những đòi hỏi ngày càng cao hơn, quy định ngày càng chặt chẽ hơn. Đón nhận điều đó với một tâm thế không quá lo lắng nhưng cũng không thờ ơ hay chủ quan, là cách tiếp cận phù hợp để các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị cần thiết và chủ động trước những thay đổi sắp tới.