Diễn đàn phát triển kinh tế bền vững 2024
06/08/2024 - 11:31 AM - 51 lượt xem
Ngày 26/7, tại thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã phối hợp với Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển doanh nghiệp( QQC) và Tập đoàn Tín Thành (TTG) tổ chức Diễn đàn phát triển kinh tế bền vững – 2024 với chủ đề “Chuyển dịch xanh, hành trình hướng tới mục tiêu net-zero".
tm-img-alt
Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường Vusta Lê Công Lương và Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp Tạ Quang Kiên chủ trì Diễn đàn

 
Đến tham dự Diễn đàn có Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường Vusta Lê Công Lương; Thành viên hoàng gia Malaysia Tunku - ông Naquiyuddin; Tổng lãnh sự Malaysia tại thành phố Hồ Chí Minh - ông FIRDAUZ OTHMAN; Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp Tạ Quang Kiên; Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tín Thành Trần Đình Quyền, cùng các đại biểu đại diện cho các Ban, bộ, ngành trung ương, các sở, ban, ngành tại các địa phương và đông đảo các Doanh nghiệp.
tm-img-alt
Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường Vusta Lê Công Lương Phát biểu khai mạc Diễn đàn

 
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường Vusta Lê Công Lương cho biết: “Trong lộ trình chuyển đổi xanh, việc kiểm kê phát thải khí nhà kính là bước đi đầu tiên và tạo nền tảng để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí thải nhà kính phù hợp với quy mô và năng lực của mình. Theo Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022, quy định cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
tm-img-alt
Các đại biểu tham dự Diễn đàn

 
Diễn đàn cũng tập trung thảo luận, định hướng các giải pháp áp dụng: Kiểm kê khí nhà kính; Những yêu cầu báo cáo kiểm kê từ những nhà cung cấp, nhà đầu tư; Hậu kiểm kê và vai trò trong lộ trình chuyển đổi xanh; Khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dữ liệu kiểm kê hướng tới hoạch định chiến lược giảm phát thải; Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, những giải pháp xanh từ hệ sinh thái tác động đến việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, ứng dụng nhiên liệu sạch LNG trong sản xuất công nghiệp; Tín chỉ carbon và tiền năng của thị trường; Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon, nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ sở hạ tầng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho nội tại doanh nghiệp và thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội. 
Dự kiến Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện mỗi năm, nhu cầu về cơ chế trao đổi và mua bán tín chỉ này đang ngày càng tăng. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon và vận hành chính thức từ năm 2028; đến hết năm 2027, xây dựng xong quy định quản lý tín chỉ carbon, thí điểm triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu từ đâu để đi cùng nhịp với thị trường trong nước và quốc tế.
tm-img-alt
Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Thành viên Hội đồng khoa học Tập đoàn Tín Thành, GS. Bùi Văn Ga phát biểu tại hội thảo

 
Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Thành viên Hội đồng khoa học Tập đoàn Tín Thành, GS. Bùi Văn Ga cũng đã chia sẻ tham luận của mình về thị trường tín chỉ các bon tự nguyện và thị trường tín chỉ carbon bắt buộc và những ưu việt của Hydrogen trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, một giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Các chuyên gia cũng đã phân tích, kiến giải, luận bàn về thị trường carbon sẽ mang đến cơ hội hay thách thức gì cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng các cơ hội từ thị trường tài chính carbon như thế nào trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải tiến tới Net zero Carbon vào năm 2050.
Cũng tại Diễn đàn, các ý kiến đã chỉ ra, tham gia vào thị trường carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Các doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích hai chiều: thực hiện giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon, thúc đẩy nền kinh tế. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Việc tiếp cận nguồn Tài chính Xanh để hiện thực hóa thị trường chính là cơ hội mà các bên cần nắm bắt”
tm-img-alt
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tín Thành Trần Đình Quyền phát biểu

 
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tín Thành Trần Đình Quyền cho biết: “Tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là một bước quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và đạt được các mục tiêu bền vững. Thị trường tín chỉ carbon cho phép các công ty và quốc gia mua và bán quyền phát thải khí nhà kính, qua đó thúc đẩy việc giảm phát thải toàn cầu. Việc tham gia thị trường tín chỉ carbon không chỉ góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và phát triển bền vững”
Trên hành trình chuyển đổi xanh tiến đến Net Zero, quá trình chuyển đổi từ các phương thức sản xuất và tiêu thụ không bền vững sang các phương thức thân thiện với môi trường, bao gồm việc phát triển năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả năng lượng, và thúc đẩy các sản phẩm và dịch vụ bền vững. Cân bằng lượng phát thải khí nhà kính vào khí quyển bằng lượng khí nhà kính được loại bỏ. Các quốc gia và doanh nghiệp đang đặt ra các mục tiêu NET ZERO để đối phó với biến đổi khí hậu. Hành trình này đòi hỏi sự nỗ lực trong việc giảm thiểu phát thải, đầu tư vào công nghệ loại bỏ carbon, và phát triển các giải pháp sáng tạo để bù đắp lượng khí thải còn lại.