Bổ sung cơ sở chăn nuôi vào danh mục kiểm kê khí nhà kính: Cần có lộ trình cụ thể
23/03/2024 - 08:39 AM - 34 lượt xem
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung 341 cơ sở chăn nuôi có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên vào danh mục lĩnh vực, cơ sở phát phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật. Theo đại diện doanh nghiệp và chuyên gia, việc này nên thực hiện theo lộ trình.
Bổ sung cơ sở chăn nuôi vào danh mục kiểm kê khí nhà kính

Kiểm soát 23% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, các hoạt động kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg đã được triển khai và đạt được một số kết quả tích cực.

Thỏa thuận Paris yêu cầu chi tiết hóa số liệu kiểm kê các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp; các quốc gia dần kiểm soát ít nhất 85% tổng phát thải quốc gia từ các nguồn, cơ sở phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn quốc và thuộc các lĩnh vực này. Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg được ban hành đã góp phần kiểm soát 23% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.

Việc xác định danh mục các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cung cấp căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp để rà soát và cải thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm kê khí nhà kính theo lĩnh vực, nguồn phát thải. Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là một số doanh nghiệp đã và đang xây dựng cơ chế cung cấp số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính. Các địa phương cũng đã hoàn thiện tổ chức quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng cường sự kết nối giữa cơ quan quản lý trung ương, địa phương, cơ sở trong thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện, Liên minh châu Âu đã thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với một số hàng hóa như thép, xi măng, hóa chất, phân bón... và sẽ tiếp tục mở rộng ra các lĩnh vực khác. Một số cơ sở thuộc các ngành công nghiệp xuất khẩu có cường độ phát thải khí nhà kính cao của Việt Nam đã kịp thời xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu mới từ cơ chế CBAM.  

Dù vậy, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, triển khai Quyết định số 01/QĐ-TTg vẫn còn một số khó khăn. Đó là thiếu hụt đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, công tác quản lý nhà nước cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc thực hiện chế độ thông tin, số liệu, thực hiện kiểm kê và tuân thủ các quy định chưa được thực hiện đầy đủ và thống nhất do đây là lĩnh vực mới, yêu cầu cao về nguồn lực thực hiện. Chế độ cung cấp thông tin về số liệu hoạt động của các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê tại một số tỉnh, thành phố chưa bảo đảm chất lượng và thời gian…

Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải phải kiểm kê khí nhà kính cập nhật là rất cần thiết nhằm thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật (dự thảo Quyết định cập nhật), Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định có 2.893 cơ sở, tăng 981 cơ sở so với Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, ước tính chiếm khoảng 34,5% trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Đây là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực; trong đó riêng ngành công thương có 2.261 cơ sở.

Đáng chú ý, trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, sẽ áp dụng đối với 341 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ước tính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên. Lý giải quy định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi, đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Tuy nhiên, Danh mục tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg chưa bao gồm các cơ sở thuộc ngành này. Vì thế, việc bổ sung các cơ sở thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính là phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Góp ý về quy định này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại, nhiều cơ sở chăn nuôi đang đối mặt với vấn đề chi phí kinh doanh lớn do các tác động từ dịch bệnh Covid-19 và các yêu cầu về di dời địa điểm chăn nuôi theo yêu cầu về bảo vệ môi trường (các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi sẽ buộc phải ngừng hoạt động hoặc di dời trước 1.1.2025 theo Luật Chăn nuôi). Nếu bổ sung cơ sở chăn nuôi vào danh sách buộc kiểm kê khí nhà kính sẽ lập tức tạo thêm gánh nặng lên các doanh nghiệp. Do đó, VCCI đề nghị cân nhắc lại.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương nêu ý kiến, xét về lâu dài, việc bổ sung cơ sở chăn nuôi vào danh mục buộc phải kiểm kê khí nhà kính là cần thiết, để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Song, cần có rà soát, đánh giá tổng thể trên phạm vi cả nước về phát thải của các cơ sở chăn nuôi, trên cơ sở đó phân loại và có lộ trình thực hiện cụ thể.

Trưởng ban Giải pháp công nghệ và môi trường, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và Phát triển doanh nghiệp (QCC) Hoàng Minh Trang nhấn mạnh, việc bổ sung danh sách các doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi vào kiểm kê khí nhà kính là cần thiết. Tuy vậy, cần phải có lộ trình cụ thể và linh hoạt, giúp các doanh nghiệp có thời gian để thích nghi và triển khai các biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính một cách bền vững.

“Việc thực hiện cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về mặt tài chính. Do đó, Chính phủ cần đưa ra chính sách khuyến khích và ưu đãi thuế để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm phát thải”, ông Hoàng Minh Trang đề xuất.

Nguồn: daibieunhandan.vn