Hợp tác chiến lược toàn diện về Kiểm kê khí nhà kính và thương mại hóa tín chỉ Carbon
25/03/2024 - 07:58 PM - 520 lượt xem

Hôm nay, ngày 25 tháng 03 năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tín Thành đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện về nội dung: Kiểm kê khí nhà kính, thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với Tín chỉ các bon trong nước.
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu về mọi mặt của nền kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế.
 

Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.

Tại lễ ký kết Ông Tạ Quang Kiên – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp cho biết các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đây là cơ sở để các doanh nghiệp các định được các điểm phát thải lớn của doanh nghiệp từ có các giải pháp phù hợp để giảm nhẹ phát thải. Các doanh nghiệp cũng căn cứ vào hạn mức phát thải của mình để chuẩn bị cơ chế bù trừ bằng tín chỉ carbon cho phù hợp. Đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày 01/10/2023. Ban đầu, CBAM sẽ áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu một số hàng hóa và tiền chất trong sáu lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.
 

Bắt đầu từ năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ bị tính thuế carbon, tức phải phải mua các chứng chỉ phát thải carbon (hay còn gọi là chứng chỉ CBAM), tương ứng với lượng phát thải carbon ở hàng hóa mà họ nhập khẩu từ các nước có mức thuế phát thải thấp hơn hoặc không đánh thuế này. Việc thị trường xuất khẩu áp dụng thuế cho hàng hoá phát thải carbon không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu chuyển đổi xanh mà còn là động lực để các doanh nghiệp khác tham gia thị trường tín chỉ carbon. Theo đó, các doanh nghiệp có hoạt động giúp hấp thụ carbon được quy đổi thành tín chỉ carbon để mua bán, trao đổi. Hiện nay, giá 1 tín chỉ carbon (tương đương 1 tấn CO2) tại Việt Nam đang có giá khoảng 10 USD nhưng tại EU đã tương đương với 100 USD. Đây là một thị trường giao dịch nhiều tiềm năng và sẽ sôi động trong thời gian tới, tạo thêm giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xanh, không phát thải./.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Đình Quyền – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Tín Thành cho biết Dù Việt Nam chưa vận hành thị trường tín chỉ carbon chính thức nhưng hàng trăm dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập đang tấp nập triển khai. Không chỉ dễ dàng sớm đạt mục tiêu tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính, việc sớm vận hành thị trường tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn tài chính lớn hàng tỷ USD để tiếp tục vận hành, phát triển các dự án tiềm năng...
 

 Nhiều công ty kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau có thể nhận một khoản thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon, thậm chí trở thành nguồn thu nhập đáng kể, điều chưa từng có trước đây. Ngược lại, bên mua là các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 dương, có thể là công ty sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc… Bên mua buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.