Việt Nam với cam kết nói là làm
26/02/2024 - 05:13 PM - 46 lượt xem
Việt Nam với cam kết nói là làm

Tại Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), Việt Nam truyền đi thông điệp "nói là làm" khi mạnh mẽ triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu, với tầm vóc, vai trò, vị thế lớn hơn sau hơn 35 năm đổi mới.

* “Đã cam kết phải thực hiện” – chìa khóa giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Trong vòng 2 năm (2021-2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự 2 kỳ COP quan trọng – COP 26 năm 2021 tại Glasgow (Vương quốc Anh) và COP 28 năm 2023 tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập).

Nếu như tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến “đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất, chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng” thì tại COP 28, Thủ tướng kêu gọi các quốc gia “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên thủ các quốc gia tham dự COP 28

Thực tế, thông điệp “nói là làm, cam kết phải hành động” tại COP 28 là tiếp nối của thông điệp “đoàn kết” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền tải tại COP 26. Bởi tinh thần đoàn kết đã khiến các quốc gia xích lại gần nhau hơn vì lợi ích chung để cùng thông qua nhiều cam kết quan trọng. Khi các cam kết đã có, việc hành động là bước đi quan trọng để về đích. Điều này rất phù hợp với chủ đề “Gắn kết - hành động - hiệu quả” của COP 28.

Tại Hội nghị thượng định khí hậu COP 28, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bây giờ là thời điểm phải hành động quyết liệt mới có thể cứu vãn được khí hậu trái đất, tương lai nhân loại. Bởi hệ thống khí hậu toàn cầu gần đến giới hạn đỏ. 

Sau 

14 năm, chúng ta vẫn chưa đạt được cam kết 100 tỷ USD mỗi năm cho các hành động về biến đổi khí hậu.

“Thực tế đó cho thấy, việc đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện là chìa khóa để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Vậy hành động đó là gì? Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là các nước phát triển tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển và chậm phát triển, nhất là về vốn, công nghệ, quản trị, thể chế; ngược lại, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển phải nỗ lực hơn nữa với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính mình. Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm đóng góp cũng như tự mình thực hiện các biện pháp giảm phát thải góp phần hành động chung của nhân loại.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước đang phát triển (G77) về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất cụ thể hơn 3 định hướng hành động. Đó là: Thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương với phương châm trách nhiệm chung nhưng khác biệt, bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các nước đang phát triển; Đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong G77 trên cơ sở thiết lập cơ chế hợp tác bao trùm, tận dụng tốt thế mạnh của cả các nước phát triển (về vốn, công nghệ) và nhóm nước đang phát triển (về thị trường, tài nguyên); Thúc đẩy tài chính ưu đãi cho khí hậu theo hướng dễ tiếp cận hơn, không làm gia tăng gánh nặng nợ và không đánh đổi nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển khác.

Nói đi đôi với làm, cam kết phải biến thành hành động trong sự đoàn kết, trách nhiệm với tương lai toàn cầu chính là thông điệp thống nhất mà Việt Nam mang đến các kỳ COP về biến đổi khí hậu hàng năm. Đó cũng là tinh thần mà Việt Nam đang thực hiện từng ngày, ở mỗi vùng miền…

* Từ COP 26 đến COP 28 – Nói là làm

Nhìn lại những gì đã cam kết từ COP 26 năm 2021 đến nay, Việt Nam đã thực sự có những chuyển biến từ chính sách đến hành động. Đó chính là tinh thần “nói là làm” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính lan tỏa tại COP 28 vừa qua.

Tại COP 26, Việt Nam ghi dấu ấn bằng việc cam kết thực hiện hầu hết các tuyên bố tại Hội nghị này. Nổi bật nhất là cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, Việt Nam cam kết giảm phát thải 30% khí metan toàn cầu vào 2030 so với 2020; cam kết không khai thác gỗ từ rừng và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030; đồng thời tăng nguồn tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng bền vững; Tuyên bố chung dừng sử dụng điện than. Hầu hết các cam kết này đã được Việt Nam nhanh chóng triển khai.

Chỉ sau hơn 1 tháng khi COP26 kết thúc, Việt Nam đã có Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai các cam kết về biến đổi khí hậu do Thủ tướng làm Trưởng ban, 1 Phó Thủ tướng làm Phó trưởng Ban cùng 12 Bộ trưởng là Ủy viên.

Trong năm 2022-2023, Việt Nam liên tục ra phê duyệt các quyết định quan trọng, như Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP 26, Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông; Quy hoạch Phát triển năng lượng tổng thể quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với mục tiêu không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030 và định hướng năm 2050, không còn sử dụng than để phát điện…

Đoàn công tác Bộ TN&MT tại COP 28

Đáng chú ý, cùng với Nam Phi và Indonesia, Việt Nam là một trong 3 quốc gia đầu tiên tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) vào tháng 12/2022 và là nước đầu tiên ban hành Kế hoạch thực hiện JETP (vào tháng 8/2023). Nỗ lực này đã đưa nước ta lên vị trí tiên phong trong số các nước đang phát triển, đáp ứng hầu hết yêu cầu cao nhất của các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính.

Tại COP 28 vừa qua, Việt Nam cùng nhóm đối tác quốc tế đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Dựa trên văn kiện này, các đối tác sẽ chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỷ USD thành những dự án mang tính đột phá. Đây là thành quả sau nhiều tháng các Bộ, ngành cùng bàn thảo, qua tham vấn doanh nghiệp và địa phương để lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên có thể trở thành trụ đỡ quá trình chuyển đổi năng lượng sau này.

Triển bình diện triển khai thực tế, khối doanh nghiệp và các địa phương đang tích cực hướng việc đầu tư vào chuyển đổi xanh. Nhiều tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió. Các địa phương có biển đã tiến hành giao các khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió gần bờ theo thẩm quyền như Cà Mau - 8 dự án; Bạc Liêu - 3 dự án; Trà Vinh - 5 dự án; Sóc Trăng - 3 dự án; Bến Tre - 4 dự án; Tiền Giang - 1 dự án…

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty rà soát, đề xuất sửa đổi văn quy phạm pháp luật và cập nhật, bổ sung cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực phù hợp với cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; xây dựng hướng dẫn kiểm kê kiểm kê khí nhà kính cho cơ sở; áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong các hoạt động; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; đầu tư, cải tiến công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; triển khai các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon, đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2…

Việc triển khai những cam kết một cách mạnh mẽ, nhanh chóng một phần lớn do nhu cầu nội tại thúc đẩy Việt Nam phải chuyển đổi xanh, mặt khác, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhật Tân – Khánh Ly

Nguồn: https://monre.gov.vn/